Liên hệ quảng cáo

Đề thi THPT quốc gia: Bảo mật đến đâu?

Theo quyết định ban hành danh mục "bí mật nhà nước độ tối mật" trong ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31-1...

    Theo quyết định ban hành danh mục "bí mật nhà nước độ tối mật" trong ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31-12-2016, bao gồm: "đề thi chính thức, đề thi dự thi, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề, địa điểm sao in đề và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi THPT quốc gia... chưa công bố".

    Vi phạm quy định của Thủ tướng?

    Đối chiếu theo quy định này, "tài liệu liên quan" chính là hàng vạn câu hỏi của ngân hàng đề thi lẫn câu hỏi thô đang được xây dựng và chuẩn hóa, đương nhiên không được công bố. Nhưng thực tế, trong mùa tuyển sinh 2017, khoảng 20.000 học sinh lớp 12 đã được tiếp xúc với tài liệu liên quan thuộc danh mục "bí mật nhà nước độ tối mật" này. Trong cuộc họp báo ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết 2017 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới công tác xây dựng ngân hàng đề thi theo chuẩn quốc tế, từ đó xây dựng mã đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. "Điểm khác với các năm trước là năm nay tất cả câu hỏi này đã được thử nghiệm với học sinh lớp 12, qua đó biết độ dễ - khó của các câu hỏi trong thực tiễn. Trong tháng 3 và tháng 4, chúng tôi thử nghiệm ngân hàng câu hỏi với khoảng 20.000 học sinh lớp 12" - ông Hồng cho hay tại cuộc họp báo.

    Đề thi THPT quốc gia: Bảo mật đến đâu?
    Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM ôn thi tốt nghiệp.
    Ảnh: TẤN THẠNH

    Phát biểu của ông Hồng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. "Tài liệu liên quan thuộc danh mục tối mật mà Bộ GD-ĐT vẫn cho đi thử nghiệm với 20.000 học sinh lớp 12 có phải là vi phạm quy định của Thủ tướng hay không? Thêm vào đó, quá trình đi thi thử, Bộ GD-ĐT có bảo đảm là tài liệu liên quan này không lọt ra ngoài? Học sinh được thi thử nếu nhớ nội dung đề thi và sau này đưa nội dung này ra ngoài thì có phải là làm lộ bí mật?" - một chuyên gia tuyển sinh lâu năm đặt câu hỏi. Ông cũng nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần phải trả lời, tài liệu chưa được công bố sao vẫn cho công khai bằng cách đưa đi thi thử.

    Tiếp tục đưa đề thi để học sinh làm thử

    Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 12-4-2018, chỉ 2 tháng trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa gồm 9 bước: xây dựng ma trận đề, soạn thảo câu hỏi thô, thẩm định, chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm và lựa chọn câu hỏi vào ngân hàng đề thi chuẩn hóa... Điểm đặc biệt là các câu hỏi sau khi được thẩm định sẽ được tiến hành thử nghiệm, bảo đảm mỗi câu phải có tối thiểu 50 lượt học sinh làm thử. Các câu hỏi này sau đó tiếp tục được chỉnh sửa và lại thử nghiệm một lần nữa, ít nhất 50 lượt học sinh sẽ làm thử các câu hỏi này. Sau khi được hoàn thiện, các câu hỏi được rà soát, lựa chọn để đưa vào ngân hàng thi chuẩn hóa.

    Vấn đề đặt ra ở đây là liệu quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT có trái với quyết định của Thủ tướng (câu hỏi thô là "tài liệu liên quan" của kỳ thi)? Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi, nếu đưa đề thi cho học sinh làm thử thì liệu Bộ GD-ĐT đã có quy trình bảo mật hay chưa? Liệu với hàng ngàn câu hỏi, mỗi câu lại có ít nhất 50 lượt học sinh làm thử, Bộ GD-ĐT có bảo đảm nội dung các câu hỏi đang được hoàn thiện này không lọt ra ngoài? "Trên thực tế, suốt từ năm 2017 đến nay, Bộ GD-ĐT chưa hề ban hành bất cứ một quy trình bảo mật đề thi nào. Đó là điều những người quan tâm đến giáo dục rất lo lắng" - một chuyên gia tuyển sinh nói.

    Theo quy trình ra đề thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nhóm ra đề chỉ được chọn câu hỏi trong một thư viện câu hỏi bảo mật của Bộ GD-ĐT. Tổ ra đề bị "cấm trại", không được mang theo tài liệu gì vào trại ra đề. Vì tính chất bảo mật như vậy, bất cứ quan chức nào vào thăm trại ra đề đều có an ninh đi kèm, vào và ra tay không; như vậy, cực kỳ ít người có thể tiếp xúc với đề thi. Trong khi đó, ở kỳ thi THPT quốc gia, đề thi được lấy sẵn từ ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hóa, tức là đề thi đã có sẵn bên ngoài. "Theo những người tham gia "ra đề ở vòng trong" (vòng cuối cùng mà người tham gia ra đề bị cách ly), công việc của họ chủ yếu là cắt mấy câu của đề này và dán vào đề khác từ những đề có sẵn. Vậy ai có thể bảo đảm các đề thi này được bảo mật tuyệt đối trước khi đến tay "người ra đề" cuối cùng?" - một chuyên gia lên tiếng.

    Không công bằng với các thí sinh không thi thử

    Với quy trình làm đề hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng việc cho hàng ngàn học sinh lớp 12 được làm thử đề thi đang được hoàn thiện là không công bằng với những học sinh khác. Theo chuyên gia lâu năm này, học sinh ở những trường không được tiếp xúc các câu hỏi thi thử này sẽ bị thiệt thòi so với các bạn được làm bài trước. Họ không được biết về nội dung, dạng đề, độ khó dễ để tập dượt trước kỳ thi cực kỳ quan trọng. Như vậy thì ai sẽ trả lời câu hỏi về vấn đề công bằng cho thí sinh?

    Theo Người Lao Động
    0 Nhận xét