* Có phải dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở giới trẻ là buồn rầu, ũ rũ cả ngày không, thưa bác sĩ?
- Trầm cảm chia ra nhiều cấp độ, thể loại với nhiều biểu hiện khác nhau (chẳng hạn trầm cảm sau khi sinh khác với trầm cảm ở đối tượng thanh niên trẻ…). Thông thường sẽ được chia làm 3 loại: trầm cảm nhẹ, trung bình và nặng.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh chia sẻ về trầm cảm ở giới trẻ - Ảnh: H.M. |
Biểu hiện của trầm cảm ra bên ngoài sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tuổi tác. Dấu hiệu buồn rầu, ũ rũ, thu mình, không tiếp xúc với ai và mất hứng thú với nhiều thứ trong cuộc sống, mất ngủ… thường chỉ đúng với đối tượng người trưởng thành, hoặc ở những người trong mức độ nặng hoặc hệ thống nâng đỡ có vấn đề...
Có những trường hợp khó nhận diện hơn, thường ở giới trẻ, có sự khác biệt rõ giữa tâm trạng bên trong và biểu lộ bên ngoài ở bệnh nhân trầm cảm, dù họ vẫn đi học hay đi làm bình thường.
Trầm cảm vị thành niên đôi khi biểu hiện là sự nóng nảy, dễ cáu gắt và hay chống đối, hay có những suy nghĩ tiêu cực về người khác lẫn chính mình, có cái nhìn ảm đạm về tương lai.
Và ở đối tượng này, việc tự gây tổn thương (tinh thần, thể xác và nghiêm trọng nhất là tự sát) khá phổ biến. Tôi có những bệnh nhân thường xuyên tự rạch tay mỗi khi căng thẳng, đau khổ… ở các vị trí ít ai chú ý. Những hành động này có thể khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng là một giải pháp tiêu cực, tuyệt đối nên tránh.
* Theo ông, có phải tình trạng trầm cảm ngày càng phổ biến?
- Những vấn đề xã hội hiện ngày càng nhiều, cấu trúc và sự hỗ trợ từ gia đình ngày càng lỏng lẻo, hệ thống nâng đỡ tinh thần ít đi… nên các bạn trẻ thường giấu kín vào lòng thay vì chia sẻ.
Người Việt vẫn còn tâm lý rất ngại, thậm chí rất sợ khi đi khám tâm thần, tâm lý… trong khi đây là điều nên coi là bình thường. Ngoài ra, các bạn không có kênh thông tinh để tìm đến nơi phù hợp khi cần.
Tôi cho rằng một trong những nơi quan trọng hỗ trợ điều này là phòng tư vấn học đường của các trường học. Nhưng ở Việt Nam, hầu như hệ thống tư vấn học đường khá thiếu và yếu. Chẳng hạn, có những trường vẫn có phòng tư vấn học đường nhưng lại do thầy cô giáo các môn kiêm nhiệm. Trong khi người làm trong phòng này nhất thiết phải là người tốt nghiệp ngành tâm lý để có đủ chuyên môn làm việc.
Việc trị liệu chỉ có hiệu quả thật sự nếu các em được hỗ trợ hiệu quả từ tuyến đầu, tuyến phòng ngự là các phòng tư vấn học đường này. Đây là điều vô cùng quan trọng, chứ đến lúc các em đã bị nặng thì rất khó chữa trị.
Ngoài ra các em nên học các kỹ năng mềm: quản lý stress, quản lý cơn giận… từ trong nhà trường.
Tôi có thời gian làm việc ở Pháp và thấy hệ thống công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường rất phát triển, tức là trường học, bệnh viện, công sở nào cũng có các phòng trên. Họ có hệ thống nối kết mạnh mẽ giữa các trường, các bệnh viện với nhau.
Để tạo sự tích cực trong suy nghĩ, hạn chế tình trạng trầm cảm ở giới trẻ, cần sự chung tay của nhiều người. Ảnh: YBR |
* Vậy theo bác sĩ, công nghệ, gia đình có trách nhiệm như thế nào? Và giải pháp?
- Đúng là bây giờ với sự xuất hiện của công nghệ, hay điện thoại thông minh… con người có rất nhiều bạn so với những thế hệ trước, nhưng mối quan hệ ảo là chủ yếu. Điều này dẫn đến vấn đề chúng ta sẽ không có những tương tác đủ mạnh để có thể tạo nên sự nâng đỡ thật sự. Chúng ta phải làm sao để giới trẻ nhận ra được điều này.
Do giới trẻ hiện nay được sống trong điều kiện sướng hơn nhiều so với những thế hệ trước, được cung phụng nhiều hơn từ việc lớn đến việc nhỏ… nên không có quá trình tôi luyện năng lực, bản lĩnh cá nhân. Phụ huynh theo đó tưởng làm điều tốt cho con, nhưng thực ra ngược lại.
Việc hỗ trợ cho các em cũng cần nhiều cơ chế hỗ trợ, vì để các em "tự thân vận động" cũng rất khó.
Trầm cảm không chừa bất cứ ai, từ nhà giàu đến nhà nghèo, từ người học vị cao đến người ít học. Tôi có những thân chủ có điều kiện sống rất tốt, đang làm tập đoàn lớn với thu nhập cao nhưng cứ muốn chết dù rất trẻ, và không ai biết được điều này.
Với những cá nhân trên, tiền bạc và danh vọng không thể cứu vớt được họ. Hầu hết là do ở họ có những tổn thương ăn sâu từ rất lâu. Một ca trị liệu có thể kéo dài đến 2-3 năm.
* Việc đọc sách, chơi thể thao và yoga… có giúp họ bớt trầm cảm?
- Đọc sách, chơi thể thao… cũng có thể hỗ trợ phần nào chứ không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi.
Nên hiểu về điểm mạnh của mình, đây là điều rất quan trọng trong trị liệu trầm cảm cho bệnh nhân. Nâng giới hạn bằng cách làm điểm mạnh ngày càng mạnh hơn.
Tiến trình chữa lành thực chất là giúp bệnh nhân tự chữa lành. Một vết cắt trên cơ thể lành dần thực ra phần chính là do cơ thể tự phục hồi, còn thuốc chỉ hỗ trợ cho tiến trình tự chữa lành chứ không phải nói uống thuốc là da lành.
Trị liệu tâm lý cũng vậy. Tiến trình chữa lành phải xuất phát từ bên trong, nâng đỡ cái tôi của người đó làm cho cơ chế phòng vệ của họ khỏe mạnh lên, chứ lời khuyên chuyên môn dù tốt cách mấy cũng chưa chắc hiệu quả.
gửi email cho tác giả