Các nhà khoa học đang tiến hành phân tích các mẫu nước tiểu để xác định chủ nhân của chúng có mắc bệnh ung thư hay không - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp |
Ung thư là căn bệnh từ trước đến nay vốn cần rất nhiều công đoạn chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết, nội soi…để có thể đưa ra kết luận cuối cùng, gây mất nhiều thời gian, chi phí lẫn ít nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Vì thế, công nghệ tầm soát ung thư không xâm lấn đầu tiên này đã được báo chí nhiều nước đưa tin.
Tác giả chính của công trình, nhà khoa học Minoru Sakairi thuộc Trung tâm Nghiên cứu thăm dò của Hitachi, cho biết: "Nước tiểu chứa gần 5.000 chất chuyển hóa, trong đó hơn 1.300 chất sẽ được công nghệ này nắm bắt và phân tích toàn diện. Chúng chứa thông tin lâm sàng cụ thể về việc chủ nhân có bị ung thư hay không".
Công nghệ dự tính sẽ được áp dụng cho nhiều loại ung thư nhưng ung thư vú và ung thư đại tràng đã được chọn để thử nghiệm đầu tiên.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ đặc biệt hữu dụng với những ai khó lòng di chuyển đến cơ sở y tế, hay đối với trẻ nhỏ. Rất đơn giản: bạn chỉ cần gửi mẫu nước tiểu đi. Một khi các công đoạn không quá rắc rối với bệnh nhân, họ sẽ dễ dàng tiếp cận việc tầm soát hơn.
Thống kê tỉ lệ tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ 20-29 tuổi và ung thư vú ở phụ nữ 50-59 tuổi (các nhóm nguy cơ cao) ở nhiều nước không mấy khả quan, với các công nghệ khá rắc rối hiện nay. Mỹ, quốc gia có tỉ lệ cao nhất cũng chỉ đạt lần lượt 84,5% và 80,8%. Ở Nhật Bản, tỉ lệ chỉ có 42,1% và 41%. Vì vậy, công nghệ không xâm lấn và dễ thực hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu của Hitachi được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể tỉ lệ người dân được tầm soát.
Công nghệ dự tính sẽ tiếp cận người dân vào năm 2020.
gửi email cho tác giả