Liên hệ quảng cáo

Học sinh tự tử vì áp lực: không ai nghe thấy lời cầu cứu?

Mấy ngày qua, nhiều người bàn tán về trường hợp một học sinh THPT tại TP.HCM gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường. Trước đó, em để lại một b...

    Mấy ngày qua, nhiều người bàn tán về trường hợp một học sinh THPT tại TP.HCM gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường. Trước đó, em để lại một bức thư tuyệt mệnh, nói rằng quá áp lực vì học tập, vì điểm số.

    Nhiều người vừa thương vừa trách em học sinh này vì đã quá dại dột. Thế nhưng đó cũng là một hồi chuông báo động tiếp theo cho ngành giáo dục, bởi những vụ việc như vậy không phải hiếm.

    Học sinh tự tử vì áp lực: không ai nghe thấy lời cầu cứu? - Ảnh 1
    Ảnh minh hoạ: Studentdigz

    "Lời kêu cứu không thành tiếng'

    Chỉ cần gõ dòng chữ "học sinh tự tử vì áp lực" trên thanh tìm kiếm mạng xã hội, gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy 1 giây. Hàng loạt bài báo với tiêu đề: "Báo động học sinh chịu áp lực dẫn đến tự tử", "Học sinh trầm cảm vì điểm số"... có thể khiến nhiều phụ huynh giật mình. Họ đâu biết đang vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng những kỳ vọng về điểm số, thành tích.

    Đầu tháng 1-2018, một nữ sinh 12 tuổi tại Hà Tĩnh tự tử ngay tại lớp học. Trước khi ra đi, em để lại hai bức thư tuyệt mệnh, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Việt.

    Em xin lỗi vì không thể tiếp tục vui chơi cùng bạn bè. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô. Đọc thư, nhà trường và gia đình đều xót xa than rằng tại sao con em mình quá dại dột như vậy.

    Gần hơn nữa là vụ việc một nam sinh lớp 10 vừa cười vừa khóc nhảy từ tầng 4 xuống sân một trường THPT nội trú tại TP HCM. Tương tự, nam sinh này cũng để lại thư tuyệt mệnh kể rằng cậu quá áp lực vì học tập.

    Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Hiện tượng những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học đang có chiều hướng tăng.

    Nhìn vào lịch học của nhiều học sinh từ cấp tiểu học tới THPT, nhiều người lớn phải lắc đầu. Bố mẹ đi làm 8 tiếng/ngày, nhưng con cái đi học nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Mọi thứ từ ăn đến ngủ đều phải tranh thủ, bởi lịch học đang chờ những em học sinh này không chỉ có ở trường.

    Học sinh tự tử vì áp lực: không ai nghe thấy lời cầu cứu? - Ảnh 2
    Bài vở, điểm số, thành tích tạo áp lực không nhỏ cho học sinh - Ảnh minh hoạ: Odyssey

    Tối 11-4, Nguyễn Hằng (Hà Nội) lên mạng kể chuyện em gái kín lịch học từ thứ 2 đến chủ nhật mỗi tuần trong cuộc chạy đua vào lớp 10. Câu chuyện kể được kèm theo bức ảnh người em gái đang vừa học vừa xúc cơm ăn.

    Hằng kể có lúc em gái mình còn vừa học vừa ngủ gật. Chiều em đi học ở trường về tranh thủ ăn nhẹ, rồi lại đi học thêm đến 10h30 tối mới có mặt ở nhà. "Bây giờ là 11h30 rồi, em mình vừa học vừa thuộc bài ngày mai, vừa xúc cơm ăn, rồi còn một đống đề cương nữa. Không biết em còn học đến mấy giờ. Đến thi đại học mình thấy cũng không vất vả như này", người chị gái bày tỏ.

    Cô cũng tiết lộ gia đình có mẹ là giáo viên, bố là nhân viên nhà nước nên từ nhỏ cả hai chị em được quản rất chặt việc học. Để không phụ công kỳ vọng của gia đình, những cô, cậu học trò vẫn hàng ngày đều đặn "dùi mài kinh sử" đến nỗi chẳng thể kêu than thành lời.

    Đến khi không còn đủ sức chịu đựng mà cũng chẳng có ai giơ tay cứu giúp, những việc đau lòng xảy đến là điều không quá khó để hiểu.

    Vượt quá sức chịu đựng

    Khi những sự việc đau lòng xảy ra, nhà trường, phụ huynh mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc hơn tới con em mình. Thế nhưng, điều đó đã thực sự quá muộn. Thay vì chữa bệnh, tại sao chúng ta không phòng bệnh?

    Dương Dịu (28 tuổi, giáo viên THPT tại Hà Nội) chia sẻ thỉnh thoảng cũng được nhiều học sinh tâm sự về hoàn cảnh gia đình. Những học sinh trong lớp cô hầu như đều là con em gia đình có điều kiện. Thế nhưng, đi đôi với điều đó, sự quan tâm của cha mẹ đôi khi cũng vơi ít đi bởi họ quá bận rộn.

    "Ở độ tuổi phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện, học sinh cần được nhà trường, đặc biệt là gia đình quan tâm và định hướng suy nghĩ đúng đắn. Nhiều học sinh suy nghĩ khá đơn giản, chúng nghĩ những điều đôi khi người lớn không ngờ tới. Vì vậy, tôi vẫn luôn khuyến khích phụ huynh trở thành người bạn của con mình để có thể chia sẻ nhiều hơn", nữ giáo viên này chia sẻ.

    Học sinh tự tử vì áp lực: không ai nghe thấy lời cầu cứu? - Ảnh 3
    Ảnh minh hoạ: Ojai

    Chị Đỗ Nga (35 tuổi, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm và nhận thiếu xót về mình vì đôi lúc quá bận không có thời gian gần gũi, tâm sự với con nhiều.

    "Khi nghe giáo viên chủ nhiệm nói con gái biết yêu, học tập có phần sa sút, tôi mới tá hỏa về hỏi con. Cũng may, gia đình tôi không cấm mà định hướng cho cháu biết những gì được phép và không được phép làm nên không có chuyện chống đối", chị Nga nói.

    Người mẹ này cũng kể bắt gặp không ít trường hợp cha mẹ nhốt con trong nhà vì sợ con yêu đương, bắt học ngày học đêm chỉ vì điểm số sa sút, khiến con em mình gặp áp lực không nhỏ, thậm chí phải điều trị về mặt tâm lý.

    Những kỳ vọng của người lớn áp đặt lên trẻ vô tình trở thành cánh cửa đấy các em vào bệnh viện chứ không phải vào một tương lai sáng lạn. Không được quan tâm triệt để, định hướng tốt, những em học sinh đang độ tuổi lớn phát triển tâm lý chưa hoàn thiện không chịu được áp lực dẫn đến hành động dại dột là chuyện dễ hiểu.

    Tiểu Hàn (Tuổi Trẻ)
    0 Nhận xét