Liên hệ quảng cáo

Giảm 20% chỉ tiêu ngành sư phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết việc cắt giảm này nhằm khắc phục tình trạng còn một ...

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết việc cắt giảm này nhằm khắc phục tình trạng còn một số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

    Giảm 20% chỉ tiêu ngành sư phạm - Ảnh 1
    Trường ĐH Sài Gòn là một trong những trường bị cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm năm 2018 - Ảnh: M.G.

    Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 chiếm khoảng 80% so với năm 2017.

    * Ngày 30-3 bộ mới "ấn định" chỉ tiêu sư phạm trong khi 1-4 thí sinh đã đăng ký dự thi theo đề án công bố trước đó của trường. Điều này có khó khăn gì cho thí sinh không?

    - Trên cơ sở tính toán cẩn trọng và chi tiết cho từng ngành, từng trình độ đào tạo của các trường có ngành đào tạo giáo viên để chỉ tiêu cụ thể được phân bổ cho các trường. Trước đó, các trường đã có dự thảo đề án tuyển sinh.

    Ngay sau khi có chỉ tiêu được phân bổ, các trường cập nhật lại đề án tuyển sinh và thực hiện các bước kỹ thuật tiếp theo để đăng ký trên phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT.

    Việc này không gây khó khăn cho thí sinh vì số ngành đào tạo của các trường không giảm mà chỉ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành hoặc chỉ đối với các ngành đào tạo giáo viên.

    Bộ GD-ĐT và các trường đều thiết lập đường dây nóng và hệ thống thư điện tử để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi và xét tuyển.

    Giảm 20% chỉ tiêu ngành sư phạm - Ảnh 2
    Ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Ảnh: TRẦN HUỲNH

    * Thưa ông, căn cứ để cắt giảm chỉ tiêu của từng trường là gì?

    - Ngày 5-1-2018, bộ trưởng GD-ĐT có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo năm 2018. Trên cơ sở đó, bộ xác định chỉ tiêu cho mỗi ngành, trình độ phù hợp với nhu cầu của các địa phương.

    Căn cứ để xác định chỉ tiêu gồm: tổng nhu cầu của địa phương (dự kiến tuyển mới, dự kiến tốt nghiệp, đã tốt nghiệp chưa có việc làm) kết hợp yếu tố vùng miền, định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ.

    Đối với chỉ tiêu của từng trường cụ thể, căn cứ để xác định chỉ tiêu dựa vào các yếu tố: nhu cầu giáo viên của địa phương, vùng miền; năng lực đào tạo do trường kê khai và tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.

    * Mục đích của việc cắt giảm này là tăng chất lượng đào tạo ngành sư phạm, giảm tỉ lệ sinh viên thất nghiệp hay còn mục đích nào khác?

    - Trong những năm gần đây, giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình. Mục đích chính của giảm chỉ tiêu nhằm giảm quy mô đào tạo, tạo điều kiện tốt hơn để các trường tăng chất lượng đào tạo ngành sư phạm, giảm dần tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.

    Mặt khác, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên cũng được quy định đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia.

    Cùng với việc giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm. Công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát.

    Từ đó, các trường đào tạo giáo viên có chất lượng sẽ thu hút người học với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao.

    * Có trường nào không bị cắt chỉ tiêu?

    - Có những trường có ngành đào tạo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì không giảm chỉ tiêu. Ngược lại, cũng có nhiều trường đã chủ động không đăng ký chỉ tiêu đào tạo của một số ngành khó tuyển trong những năm vừa qua.

    Qua đó, có thể thấy các trường đã từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu xã hội, từng bước khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

    Ngưng tuyển sư phạm

    Phương án tuyển sinh của nhiều trường ĐH đã ngưng tuyển ngành sư phạm. Cụ thể, Trường ĐH Bạc Liêu từ năm 2017 đã ngưng tuyển sinh các ngành sư phạm bậc ĐH. Đến năm 2018, trường tiếp tục ngừng tuyển sinh ngành sư phạm tiếng Anh bậc CĐ. Từ năm 2017 Trường ĐH Tiền Giang đã ngừng tuyển sinh nhiều ngành sư phạm.

    Tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), trong phương án tuyển sinh công bố tháng 2-2018, trường này ngừng tuyển sinh hai ngành sư phạm bậc ĐH là ngữ văn và lịch sử. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành công văn ấn định chỉ tiêu sư phạm, ngày 3-4 trường này ra thông báo tuyển sinh mới và hai ngành sư phạm này lại được đưa vào tuyển sinh.

    Minh Giang (Tuổi Trẻ)
    0 Nhận xét