Phải cho người tuyển dụng biết sự chân thành của bạn
Anh Lê Văn Thông, cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đang làm việc tại một công ty đầu tư xây dựng thương mại ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ về cách vượt qua “vòng loại” để trúng tuyển vào vị trí công việc thiết kế kết cấu nhà cao tầng . Anh Thông kể: “Khi mình cầm đơn đến xin vào vị trí này, anh trưởng phòng nhân sự của công ty hỏi "Bạn đã trải qua những ngày tháng cho công việc tương tự này chưa?”. Dĩ nhiên là mình trả lời chưa vì khi ấy mình mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật đô thị-kỹ thuật xây dựng. Anh ta hỏi tiếp: “Chưa có kinh nghiệm sao bạn dám xin vào làm vị trí này?”. Mình trả lời vì em đã được học về chuyên ngành liên quan, hơn nữa em có đam mê với công việc mà công ty đang tìm ứng viên. Khi mình nói đến đây, anh ấy nói với mình “Tôi tạm giữ hồ sơ của bạn ở đây. Bạn cứ về, có gì vài ngày nữa tôi sẽ gọi cho bạn. Nếu công ty không nhận bạn, tôi sẽ trả hồ sơ cho bạn, bạn có đồng ý không?”, mình nói đồng ý.
Bạn trẻ (bên trái) được nhà tuyển dụng phỏng vấn tại ngày hội việc làm diễn ra ở Khu công nghệ cao TP.HCM Ảnh: Lê Thanh |
Anh Thông nhớ lại: “Khoảng một tuần sau, có người trong công ty gọi điện nói mình đến phỏng vấn thêm. Khi mình đến thì cũng gặp lại anh trưởng phòng nhân sự tuần trước. Anh ấy hỏi mình: “Những ngày qua bạn làm gì?” Mình trả lời, em vẫn đi tìm những vị trí việc làm liên quan đến ngành học. Anh ấy hỏi tiếp: “Vậy bạn vào đây là muốn làm việc gắn bó lâu dài để đóng góp cho sự phát triển của công ty hay là chỉ muốn học hỏi kinh nghiệm thực tế?” Mình trả lời, em đã tìm hiểu rất kỹ về công ty này, thật sự em rất mong được làm việc ở đây lâu dài, trừ khi công ty không tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của em. Anh ấy nói “Tôi nhận bạn vào làm nhưng với một điều kiện trong 6 tháng nếu công ty không thấy sự đam mê của bạn với công việc này thì mình sẽ chia tay”. Thế là mình đã được nhận vào đây làm và gắn bó cũng được hơn 3 năm rồi”.
Theo anh Thông, nếu bạn chưa có kinh nghiệm khi xin vào công việc nào đó thì bạn phải cho người tuyển dụng thấy được sự chân thành và khát khao của mình muốn gắn bó, đóng góp khả năng, tay nghề, trí tuệ của bản thân cho sự phát triển chung của công ty thì họ sẽ tuyển bạn.
Người lao động (bên trái) được nhà tuyển dụng phỏng vấn khi xin việc Ảnh: Lê Thanh |
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, cưu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, hiện làm việc cho một công ty hóa mỹ phẩm Hàn Quốc tại Q.1 (TP.HCM), ch rằng trong quá trình chuẩn bị xin việc, chúng ta luôn luôn chủ động hỏi bạn bè hoặc người thân của mình xem họ có biết chỗ nào sẵn sàng tuyển nhân sự khi chưa có kinh nghiệm không. Tôi là người tìm được việc làm theo cách đó. “Điều quan trọng là bạn phải để cho càng nhiều người biết rằng bạn đang tìm công việc đó, biết đâu họ sẽ biết nơi cần giới thiệu cho bạn”, chị Xuân chia sẻ.
Ứng tuyển vào những công ty nhỏ
Chị Võ Thị Trinh, cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hiện đang làm cho một công ty môi trường tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ. “Tôi có một kinh nghiệm dành cho các bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhưng khả năng xin được việc làm cao, đó là hãy ứng tuyển vào những công ty nhỏ, quy mô thường có dưới 20 nhân viên. Bằng cách đó, bạn có thể nổi bật hơn và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ cấp trên của mình. Bạn vừa có việc làm, vừa học hỏi được kinh nghiệm để tích lũy cho bản thân để sau này nếu có thay đổi chỗ làm thì cũng có kiến thức thực tế”.
Tương tự, anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Sơn, Q.12 (TP.HCM), khuyên: “Nếu bạn chưa tìm được công việc trong một ngành nghề cụ thể cho bản thân, hãy thử tìm những công việc tương tự. Tức là, bạn phải mở rộng phạm vi tìm việc của mình càng nhiều thì xác suất và cơ hội có việc làm của bạn càng cao”.
Đồng quan điểm với chị Trinh, anh Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, nói: “Thông thường những sinh viên mới ra trường họ hay ngắm đến những tập đoàn, công ty lớn mặc dù chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những công ty, tập đoàn lớn thường có đến hàng ngàn đơn ứng tuyển trong mỗi đợt tuyển dụng và rất nhiều hồ sơ tồn qua các đợt tuyển trước đó. Chính vì vậy, khi bạn chưa có kinh nghiệm mà cứ khăng khăng nộp đơn vào những nơi ấy thì không cần đến đơn vị tuyển dụng đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm hay chưa mà những ứng viên có nhiều kinh nghiệm đã loại bạn khi công ty xem qua hồ sơ . Chi bằng để không phí thời gian, bạn hãy tìm những công ty có quy mô nhỏ thôi để ứng tuyển vào thì cơ hội việc làm của bạn sẽ lớn hơn rất nhiều”.
gửi email cho tác giả